Khám phá nét độc đáo của An Giang

Từ Sài Gòn chạy 6 tiếng là tới Châu Đốc. Nghỉ ngơi rồi đi lạy Bà Chúa xứ núi Sam, như tín ngưỡng dân gian của nhiều người dân Nam bộ. Đi hành hương thì tiếp tục lạy Phật, vãn cảnh chùa Huỳnh Đạo, Bồ đề đạo tràng Châu Đốc... hay đi Lăng Thoại Ngọc Hầu, làng nổi Châu Đốc... gần trung tâm TP.

Từ Châu Đốc ngồi phà 5-7 phút là đã qua tới thị xã Tân Châu thăm làng Chăm Châu Giang. Đây là khu vực cư trú của rất đông người Chăm theo đạo Hồi. Nét văn hoá ấy được thể hiện rõ qua những căn nhà sàn, qua những ngôi thánh đường, qua những bộ trang phục hay chiếc khăn choàng trùm đầu được dệt từ thổ cẩm, từ lụa tơ tằm... Làng Chăm nổi tiếng trăm năm với nghề dệt,  nhuộm nhưng đời sống hiện đại đã làm mai một đi làng nghề thủ công này. Một cô nghệ nhân nói, ba đời nhà cô làm nghề dệt thổ cẩm. Nhưng tới đời cô thì đã không còn hậu duệ nối nghề. Các con cô đều chọn việc khác.

Cũng từ Châu Đốc, chạy khoảng vài chục cây số ra các huyện biên giới như Tịnh Biên, Tri Tôn thì có thêm nhiều cảnh điểm nổi tiếng khác: rừng tràm Trà Sư, đồi Tức Dụp, Núi Cấm - ngọn núi cao nhất của Thất Sơn huyền bí và cả ĐBSCL... đi trúng dịp lễ hội đua bò 7 núi thì không khí càng náo nhiệt. Dọc theo hai huyện biên giới này, trở đi trở lại vài ngày vẫn còn điểm khám phá. Khung cảnh, đời sống, tập quán văn hoá, kiến trúc, tiếng nói, ẩm thực... của đồng bào Khmer trải dài suốt khu vực biên giới. Có núi, có rừng, có hồ, có hang động. Có những món ngon dân dã của người Việt, người Chăm, người Khmer, người gốc Hoa đã làm một đứa dễ nuôi ăn muốn nhọn mỏ: cá linh chiên giòn, lẩu cá linh bông điên điển, gỏi sầu đâu, bún cá châu đốc, bún nước kèn, bản dừng nướng nước mắm, tung lò mò nướng, Gà đốt lá chúc Ô Thum, đùi vịt quay lu, chả giò Tiều, lẩu bò núi Sam... toàn mấy món hao bia. Ăn dặm giữa giờ thì làm mấy cái bánh bò thốt nốt, chè bưởi An giang, nước thốt nốt... Mấy ngày vui vẻ trôi qua rẹt rẹt. Cần chi bay đâu xa, cũng đâu cần cao lương mĩ vị. 

Cách Sài Gòn chỉ 6 giờ xe chạy.

CHÍ NGHĨA

Đăng nhận xét

0 Nhận xét