Bánh tằm cay từ thức quà quê dân dã đến món ăn xứng tầm sản vật


Bánh tằm cay đã vượt ngoài danh xưng đặc sản để trở thành linh hồn của ẩm thực Cà Mau. Rất nhiều người cho rằng, đến Cà Mau mà chưa từng thử qua hương vị của đĩa bánh tằm cay thì cũng xem như là chưa từng đến.

Nguồn gốc ra đời của món bánh tằm cay

Bánh tằm ở miền Tây nổi tiếng là một món ngọt ăn chơi, sau khi hấp chín, người dân thường kết hợp bánh tằm với muối mè, dừa khô nạo hay cầu kỳ hơn là thắng nước cốt dừa rồi chan lên mặt. Tuy nhiên, bằng sự hào sảng và óc sáng tạo không ngừng nghỉ, người miền Tây đã biến tấu món bánh tằm ngọt thuở nào thành bánh tằm cay - một món ăn mặn vừa để đỡ phải ngán, vừa là sự lựa chọn hoàn hảo cho những người không hảo ngọt.

Nước sốt cà ri được xem là linh hồn của món bánh tằm cay. Phần nước sốt này được làm từ cà ri Chà Và - một đặc sản Ấn Độ, theo chân người Khmer đến phương Nam trong quá trình khẩn hoang vùng đất mới. Về tới miền cuối trời Tổ quốc, cà ri Chà Và kết hợp với bánh tằm cay tạo nên một món ngon tinh tế, độc đáo và ôm hết vào lòng sự hào sảng của sản vật miền Tây.

Có một lần thưởng thức qua dư vị của đĩa bánh tằm cay “chính hiệu” thì mới hiểu, vì sao món ăn này không đơn thuần là một đặc sản, mà theo thời gian dần trở thành niềm tự hào của ẩm thực Cà Mau. Bánh tằm cay tuy được làm nên từ những nguyên liệu dễ tìm và dân dã, song cách chế biến lại cầu kỳ và buộc trải qua nhiều công đoạn. Ở Cà Mau, không khó để du khách tìm gặp và thưởng thức một đĩa bánh tằm cay đúng điệu, nhưng mỗi một hàng quán lại có cách chế biến và gia giảm hương vị khác nhau. Tuỳ vào khẩu vị, cảm nhận của từng người mà họ tự có cho mình đánh giá riêng, không nên nhận định nơi nào là ngon nhất hay có vị nguyên bản nhất.

Bánh tằm cay - Tự hào sản vật của quê hương đất mũi

Bánh tằm cay được làm nên từ hai phần chính, gồm sợi bánh tằm và nước sốt cà ri gà. Sợi bánh tằm được làm từ bột gạo trộn với bột năng, sau đó hoà với nước rồi đem hồ trên lửa liu riu. Khi hỗn hợp đã nguội thì rắc chút bột khô lên mâm để áo bột và tiến hành se thành từng sợi. Bánh tằm sau khi se sợi được cho vào xửng hấp. Khi chín, bánh trông trắng trắng, mềm mềm như những con tằm say ngủ nên được gọi là bánh tằm. Ngày nay, máy móc dần thay thế công đoạn làm bột có phần nhiêu khê này, song nhiều người cho rằng, sợi bánh tằm chỉ khi se tay mới có được độ dai, mịn, mềm mà không bất kỳ loại máy móc nào có thể làm ra được.

Chế biến nước sốt cà ri cũng là một công đoạn hết sức kỳ công. Bột cà ri hình thành từ nhiều hương liệu như đại hồi, đinh hương, quế chi, hạt mùi khô, bột nghệ, ớt khô rang thơm rồi nghiền thành bột. Hỗn hợp này sau đó được nấu chung với gà vườn, cho ra loại nước sốt cà ri thơm nức và cực bùng nổ vị giác.

Khi ăn, người ta sẽ cho những sợi bánh tằm đã hấp chín ra đĩa, lưu ý cần gỡ rời từng sợi bánh vì khi lẫn vào nhau bánh sẽ mất đi độ hấp dẫn, dai ngon. Bên dưới là chút rau sống gồm giá, xà lách và một ít quế. Sau cùng, chan lên mặt là nước sốt cà ri đậm đà, thịt gà, huyết và mề gà, đặc biệt không thể thiếu những viên xíu mại to tròn thơm nức. Vị cà ri cay nồng, cay nhưng không át sự dai mềm của sợi bánh tằm, thanh mát của các loại rau, vị ngọt của thịt gà cũng như độ béo bùi của những viên xíu mại… Mọi thứ hoà lẫn vào nhau, hoàn hảo đến mức tạo nên sự bùng nổ trong vị giác và khiến người ta càng thưởng thức lại càng ghiền. Bát nước chấm muối ớt chanh tuy đơn giản nhưng khi quyện cùng miếng thịt gà hay viên xíu mại lại tạo nên thứ “ma lực” khiến vị giác như bừng tỉnh. Để rồi trót ghé Cà Mau và được dịp thưởng thức qua dư vị của một đĩa bánh tằm, người viễn khách cứ lưu luyến hoài cái nồng ấm của món cà ri, cũng nồng hậu và ấm áp như chính tình người đất mũi.

Chỉ trong một đĩa bánh tằm mà người Cà Mau đã thêm vào đó biết bao nguyên liệu. Sự đầy ắp đó cũng phần nào khẳng định vẻ trù phú và giàu có của vùng đất phù sa, nhắc chúng ta khi đứng trước một món ngon, thưởng thức thôi không đủ, mà còn cần tự hào, gìn giữ những gì tinh tuý nhất của ẩm thực quê hương, cũng chính là giữ mãi sự vẹn nguyên của tình đất, tình người.

QUYỀN TRÂN

Đăng nhận xét

0 Nhận xét