Viếng bà hoàng “một vai gánh vác cả đôi sơn hà”

Mấy năm gần đây, người ta biết đến Ninh Bình nhiều qua các cảnh đẹp của Tràng An, Tam Cốc xuất hiện trong các bộ phim bom tấn, qua các bộ ảnh đẹp non nước hữu tình, qua ngôi chùa Bái Đính lập nhiều kỉ lục... nhưng Ninh Bình còn có một địa danh gắn liền với sự kiện dời đô của vua Lý Thái Tổ: cố đô Hoa Lư

Trước khi vua Lý Công Uẩn dời đô về Đại La và đổi tên là thành Thăng Long, kinh đô của nước Việt đặt tại Hoa Lư, Ninh Bình. Đinh Tiên Hoàng, cậu bé chăn trâu dùng cờ lau tập trận mà dựng nên nghiệp lớn. Người đã thống nhất các sứ quân để lập nên nước Đại Cồ Việt. Đinh Tiên Hoàng đế lên ngôi, yên ngựa là ngai vàng, người thiết triều nơi trận mạc, ví như hình ngọn núi Mã Yên vẫn sừng sững ngàn năm ở Hoa Lư. Thế nhưng, vị hoàng đế bách chiến ấy lại băng hà vì bị gian thần đầu độc, dù đôi đũa hàng ngày của vua dùng làm từ loại gỗ kim giao có khả năng phát hiện độc chất trong thức ăn. Hàng cây kim giao ngày nay vẫn còn trồng hai bên đường dẫn vào đền thờ vua Đinh...

Sau khi vua Đinh băng hà, ấu quân còn nhỏ nên Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đã nhận khoác long bào lên ngôi hoàng đế, đánh đuổi giặc Tống ra khỏi cõi bờ Đại Cồ Việt.

Gạch nối quan trọng giữa hai vì vua ấy là một người phụ nữ mà tên tuổi đã đi vào lịch sử, cùng với rất nhiều điều hậu thế còn tranh luận xoay quanh cuộc đời bà. Người phụ nữ là hoàng hậu của cả hai vua. Người đã dám trao long bào tiên đế cho một người khác họ lên ngôi, để đất nước và muôn dân có thể tránh được một cuộc nội công, ngoại kích. Trên chiếc long sàng bằng đá đặt tại đền thờ vua Đinh, con Rồng đá có cả hai tay cách điệu như hình ảnh của bà hoàng “một vai gánh vác cả đôi sơn hà”, thái hậu Dương Vân Nga.

Tượng hoàng hậu đặt ở đền vua Lê. Mỗi năm, đến lễ hội kỉ niệm ngày vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, dân chúng lại cung nghinh rước tượng bà sang đền thờ vua Đinh cạnh đó.

Kẻ trước, người sau. Lập đô rồi dời đô. Kinh đô hôm nay, cố đô ngày mai. Vạn vật rồi sẽ thay đổi theo dòng chảy của lịch sử. 1010 năm từ Hoa Lư đến Thăng Long, câu chuyện sẽ còn lưu truyền hậu thế...

“Ơi giáo, ơi gươm, ơi trường thương, ơi đoản kiếm.

Nghe đâu xưa các ngươi cũng đã từng theo tiên vương một thời ngang dọc.

Sao bây giờ trầm mặc trên giá gỗ cam chịu phận hẩm hiu.

Ta muốn chiêu hồn các ngươi, những vật vô tri đang im lìm hoài cổ.

Sao các ngươi không nhớ lại màu cờ, tiếng trống trận khi xưa...”

NGHĨA TÔN


Đăng nhận xét

0 Nhận xét