Có bao nhiêu mũi Kê Gà ở miền Trung?

 

Ở Bình Thuận nổi tiếng có mũi Kê Gà rất hoang sơ và độc đáo thu hút khách du lịch cả nước đến tham quan. Nhưng nếu bạn biết rằng, ngoài ra có thêm ít nhất 2 mũi đất cùng mang tên Kê Gà khác cũng ở miền Trung.

Kê Gà – một địa danh kỳ lạ. Đã là Kê (danh từ tiếng Việt cổ), sao còn có Gà (danh từ tiếng Việt hiện đại) ?

Nhưng nói Kê Gà thì là Kê Gà nào ?

Cho đến hiện giờ, qua công tác sưu tra bản đồ, chúng tôi tìm ra thêm ba mũi Kê Gà nữa, bên cạnh mũi Kê Gà nổi danh tại Bình Thuận.

Mũi Kê Gà ở Bình Thuận

Thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Mũi đất nằm theo hướng bắc nam. Cách mũi 250 mét có hòn đảo (đảo núi) núi diện tích khoảng 4000 mét vuông, đỉnh cao nhất 40 mét. Trên đảo có ngọn hải đăng.

Từ sau khi dựng ngọn hải đăng (1897) thì dân đi biển gọi là mũi Đèn.  Bản đồ cũ thì ghi nơi đây có hai ngôi làng. Làng Kê Gà ngay mũi và làng Vân Kê ở hướng tây, cách đó vài cây số ngàn.

Mũi Kê Gà ở Phú Yên

Thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa. Mũi đất nằm theo hướng tây nam đông bắc, nằm ở rìa đông của bán đảo (mạch núi) Mò O (bán đảo bọc bên ngoài Vũng Rô, dãy núi nằm trên bán đảo có đỉnh cao nhất 324 mét).

Rìa đông của bán đảo có 3 mũi nhỏ ra biển, từ Nam lên Bắc là mũi Ba, mũi Mao, mũi Điện. Trong đó mũi Mao và mũi Điện là có cùng trên một kinh tuyến. Sở dĩ nói rõ như vậy vì có người cho rằng cực đông của lãnh thổ Việt Nam là mũi Điện; nếu như vậy thì mũi Mao cũng phải có phần trong việc này, nhưng không ai buồn nhắc đến ! Mũi Mao nằm theo hướng tây bắc đông nam, giống như một mũi đất sinh đôi với mũi Điện, cả hai tạo thành hình chữ V ngữa ra biển Đông.

Mũi Điện vốn có tên là mũi Kê Gà, được người Pháp gọi là “Cap Varella”. Từ sau khi xây dựng ngọn hải đăng (1902) thì dân đi biển gọi là mũi Điện.

Mũi Kê Gà Khánh Hòa

Là ranh giới giữa xã Vĩnh Lương và phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang. Mũi đất ở cực đông bán đảo núi Hòn Ngang (đỉnh cao nhất 352 mét). Bờ biển phía bắc mũi là những vách đá dựng đứng, ghềnh đá lởm chởm, bị chia cắt mãnh liệt. Trong số đó đó một mũi đá có hang khá rộng, có tên Hang Ông Già, lại do có nhiều dơi đến trú ngụ nên còn gọi Hang Dơi. Phía nam có nhiều ghềnh đá nổi ngầm, bãi san hô, bãi triều đầy sỏi và đá cuội, gọi là Bãi Tiên. Nơi này đang xây dựng khu nghỉ dưỡng.

Khu vực này, ngoài dân đi biển thì ít người biết đến các địa danh này, kể cả khi con đường Phạm Văn Đồng được hình thành vào những năm đầu của thế kỷ XXI, ngoại trừ số ít “phượt thủ” là dân Nha Trang.

NGUYỄN MỖ

Đăng nhận xét

0 Nhận xét