Thèm mùa nước nổi tràn đồng ở miền Tây

Tuổi thơ mình gắn bó nhiều, thật nhiều với miệt bưng biền sông nước miền tây, đến giờ thỉnh thoảng vẫn hiện về căng đét trong những giấc mơ..

Bửa, đọc báo thấy mùa nước nổi đang về và thấp nhứt trong 10 năm trở lại đây. tự nhiên thèm cảm giác muốn đi đâu đó để về lại với tuổi thơ xưa..

Thèm được hoà mình vào những mùa nước nổi tràn đồng. thèm được cầm chỉa 3 dắt đàn chó, ra bờ kinh ruồng chuột đồng sau cơn mưa sáng. 

Thèm được phăm phăm chống xuồng đi thả câu trên mênh mông đồng nước cùng nhóm bạn trong xóm. Những chiếc xuồng nhìn xa nhỏ như chiếc lá tre, lướt nhẹ bâng trong màu chiều đỏ rực loang dài trên màu nước bạc, đẹp như một bức tranh. Câu thả làm bằng ống sậy, mồi ốc sên, thả xen vào giữa các gốc lúa ma sau mỗi cú ra tay chống sào. mồi này chuyên trị cá lóc, cách 20 m chúng vẫn có thể bắt được mùi. phê nhứt là lúc cuốn câu, ngước nhìn theo hướng mũi xuồng, hàng loạt điểm sáng nước bắn tung toé do cá ăn câu, chúng cùng nhịp theo một nhịp điệu rất riêng, rất đặc trưng của cá lóc khi dính câu. Công đoạn tiếp theo như thường lệ trước khi mang thành quả về nhà, là lần lượt cả nhóm tụ về gốc bần già mọc đơn độc giữa cánh đồng nước, cột xuồng sát vào nhau thành bè. hùn nhau đứa con cá, xong đứa làm vãy, đứa nhóm bếp, đứa lên bờ đìa quơ mớ rau đắng dại.. và cuối cùng là nồi cháo thơm điếc mũi ra đời chỉ sau 30 phút..

Thèm được lặn bắt hôi trong mùa giở chà, đây thật sự là những ngày hội. Tôm cá đang chạy đồng, khi qua mùa nước nổi, phần lớn các loại cá trắng sẽ rút xuống kinh rạch rồi ra sông lớn. trên đường di chuyển, chúng ẩn và kiếm ăn ở những đám chà làm bằng các loại: trâm bầu, lục bình và tre khô.., được các nhà nông có điều kiện bỏ vốn dựng từng lô dọc ven bờ sông. Quyết định dỡ chà ngày nào là cả một kỷ năng của chủ chà, hoặc trưởng hội nếu chủ chà nhờ tham vấn. Mỗi sáng, khi con nước đứng ròng, chủ chà mang thúng lúa non ra cho cá ăn và lắng nghe tiếng cá búng nước, xem độ lay động dù rất khẽ của những đọt chà đọt tre do tôm cá dựa vào để quyết định. Khi con nước chuẩn bị đứng ròng, các thợ lặn, thường là những trung niên kinh nghiệm trong hội, nhẹ nhàng thả dần tay lưới dày như lưới chài tép bạc(cao tầm 6m dài 150m) vây quanh đám chà, sau đó cố định lưới bằng những sào tre (cho viền lưới trên)và những móc tre ép chặt viền lưới dưới xuống đáy sông, sao cho cá không thể nhảy hoặc chui qua. Tiếp tục là công  đoạn dở chà đưa lên bờ và rút dần viền lưới bắt đầu từ hướng ngược dòng chảy. đây là công đoạn khó nhất, vì cả tốp thợ lặn phải đồng loạt lặn xuống, mỗi người ôm 1 cọc tre, cách nhau 2 m. khi nghe hiệu còi của đội trưởng trên ghe, đồng loạt nhổ dời cọc tre của mình ép dần vào bờ, còi lần 2 là  lặn xuống đáy, nhổ móc tre gài viền lưới đáy, rồi đồng loạt kéo viền đáy vào. Tiếp tục trồi lên hụp xuống cho đến khi viền đáy được đồng loạt giở lên khỏi mặt nước khi đã áp sát bờ. Tất cả thợ lặn đều phải theo đúng bài bản tập luyện và hiệu lệnh của đội trưởng. Công đoạn còn lại là phân loại tôm và cá, dùng vợt đổ vào các khoang của 2 ghe đục bự(loại ghe chuyên dùng bắt cá chà, được thay ván be bằng lưới thép dọc theo 2 bên lườn ghe, cho nước thông từ ngoài vào).  thu hoạch thông thường cho mỗi lần giở chà tầm 150 kg tôm và 500 ký cá trắng các loại. Sau đó ghe sẽ chở thẳng về thành phố để bán cho chủ vựa cá. Nhiều nhà có vài đám chà, sẽ đảm bảo cuộc sống thuộc loại khá giả sau những vụ nông nhàn..

Vậy còn thằng bắt hôi như nào?

Đầu tiên, hơi lặn của nó cũng phải đủ dài để có thể lặn từ ngoài, rồi lặn qua dãy ghe vây quanh lưới của chủ nhà, lặn sâu xuống bọc tùng đáy lưới. quơ tay dưới mặt  bùn, nhất là những lỗ chân, hõm bùn nơi đám tôm cá núp vào để tìm cơ hội sống sót khi viền lưới đi qua, túm lấy nó và lận vào lưng quần đùi. Gần hết hơi, lặn ngược trở qua ghe, nổi lên, xâu thành quả vào sợi dây buộc sẵn quanh bụng..

Các thợ lặn, thường chỉ xách về nhà vài ky tôm cá làm quà cho vợ con sau mỗi lần góp mặt, mục đích chính là vần công với nhau khi tới lượt giở chà nhà mình..

Và còn nhiều thứ nhớ nữa...

QUANG TRÍ

Đăng nhận xét

0 Nhận xét