Nếu là một người con lớn lên ở vùng đất Tây Nam, mùa nước nổi chắc hẳn là một phần không thể thiếu trong ký ức. Mùa nước nổi về, không chỉ mang phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, giúp tươi tốt mùa màng, mà còn kéo theo đó những sản vật thiên nhiên một năm chỉ xuất hiện đúng một lần. Người dân miền Tây bằng tất cả óc sáng tạo và sự khéo léo của mình, đã nương theo những nguyên liệu sẵn có đó để chế biến ra vô vàn đặc sản mùa nước nổi, chỉ cần nhắc tên là đã khiến người ta “nuốt ừng ực” vì thèm.
Vào khoảng giữa mùa hè mỗi năm, các cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây ra nhiều mưa ở thượng nguồn làm mực nước
ở sông Mê kông dâng lên nhanh chóng. Khi chảy về phía hạ nguồn, một phần lưu lượng nước sẽ đổ vô Biển hồ Tonlé Sap
ở Campuchia, phần nhiều theo hai nhánh sông Tiền và sông Hậu vượt qua biên giới đổ vào Việt Nam, sau đó chảy ra biển Đông theo nhiều cửa. Những tỉnh ở đầu nguồn sông Cửu Long phần lớn có địa hình trũng thấp nên khi một lượng lớn nước tràn vào sẽ gây ngập bờ kênh, ao hồ, ruộng đồng trong vài tháng, từ đó hình thành nên mùa nước nổi.
Do đó mà hằng năm, cứ độ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch (nhằm vào khoảng tháng 8 đến tháng 11 dương lịch), bà con các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An đều mong ngóng lũ về. Đây là cơn lũ hiền hoà mang theo một lượng lớn phù sa để bồi đắp cho đất đai thêm màu mỡ, chở theo vô vàn sản vật như cá linh, cá rô đồng, cá bông lau,… Đây cũng là mùa mà những loài hoa mọc dại ven các con sông, bờ kênh bắt đầu rộ nở, tạo nên một bức tranh quê dung dị, hơn hết là mang mùa bội thu tôm cá đến với người miền Tây quanh năm vất vả, nhọc nhằn.
Lũ là từ luôn khiến người dân khiếp sợ vì đó là thiên tai. Duy chỉ có vùng Đồng bằng sông Cửu Long, năm nào mùa lũ không về là năm đó như thiếu một thứ gì vô cùng quan trọng. Bà con nơi đây trông chờ lũ và xem đó như một đặc ân mà thiên nhiên sông nước đã biệt đãi cho đời sống của mình. Mùa lũ về giúp cuốn trôi hết những tồn dư năm cũ, mang theo một lượng phù sa màu mỡ, phì nhiêu để tưới tiêu ruộng đồng. Những sản vật phù sa như cá, tôm, cua… cũng theo dòng nước từ thượng nguồn đổ xuống, giúp bà con có những bữa cơm quê tuy mộc mạc đơn sơ nhưng cả đời không quên được.
Đó là Cá linh, Cá linh là một đặc sản không thể thiếu của mùa nước nổi miền Tây. Đây là loài cá có kích thước nhỏ, thịt mềm, thơm, ngọt và chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi.Cái hay của loài cá này nằm ở chỗ dù là cá linh đầu mùa hay cuối mùa, người dân đều có cách chế biến để cho ra nhiều món ăn đậm vị. Cụ thể, cá linh đầu mùa còn non, trọng lượng nhỏ thì thịt mềm, thơm, phù hợp để tẩm bột chiên giòn. Độ giữa mùa, cá đã lớn hơn một chút, túi mật cá to nên khi ăn lẫn vào đó là vị đăng đắng, bùi bùi, thích hợp để làm lẩu mắm, nấu canh chua hay làm món cá linh kho tộ. Cá linh cuối mùa với kích thước lớn hơn cả, người dân thường làm mắm, vừa để ăn cho đỡ ngán, vừa để dành thưởng thức quanh năm.
Bên cạnh đó, Cua đồng cũng là món ngon. So với những sản vật mùa nước nổi khác như cá hay tôm, cua đồng cũng là thức quà dân dã không kém cạnh về độ thơm ngon, hấp dẫn. Chỉ từ một nguyên liệu đơn giản là cua đồng, người miền Tây có thể biến tấu ra nhiều món đặc sản khác nhau. Ví như thân cua thường được dùng để nấu canh, lẩu hay bún riêu cua, nhưng càng cua đồng là món ăn chiếm được nhiều cảm tình hơn cả.Càng cua đồng to, cứng và chắc thịt, thường được mang hấp sả, luộc hay rang muối. Chấm thịt cua đồng vào chén muối tiêu chanh ớt trong những ngày mưa rả rích, rồi thi nhau đếm xem ai cắn được nhiều càng cua hơn… từng là thú vui hết sức bình dị và tinh khôi của nhiều đứa trẻ lớn lên ở chốn miệt đồng.
Mùa nước nổi miền Tây sẽ khó lòng lưu dấu ấn trong ký ức tuổi thơ của nhiều người nếu không có sắc vàng đặc trưng của màu bông điên điển. Đây là loài cây mọc dại
ở các bờ kênh, bờ sông. Khi con nước về mang theo phù sa bồi đắp, loài cây này sẽ nở rộ, không chỉ giúp điểm tô cho cảnh sắc miền Tây mùa nước nổi, mà còn mang đến những đặc sản đậm hồn quê.
Bông điên điển có rất nhiều cách chế biến, từ đơn giản đến cầu kỳ. Hôm nào lười thì cứ ra vườn hái một nắm bông điên điển mang vô xào tỏi hay bóp một dĩa gỏi chấm cá kho là đã có được một bữa no nê. Hấp dẫn hơn thì nhúng bông điên điển vào vô vàn món lẩu như lẩu mắm, canh chua; dùng đổ bánh xèo hay thêm vào tô bún cá, bún mắm,…Điên điển giòn giòn, vừa ăn vào thấy đắng nhưng sẽ đọng lại vị ngọt dịu nơi cổ họng. Hương vị đồng nội đặc trưng của bông điên điển mang kết hợp với. Bất cứ món nào cũng đều dễ dàng cho ra “cực phẩm”.
Sắc màu bắt mắt của bông súng cũng góp công rất lớn trong việc tô điểm cho những ao, hồ miền Tây vào mùa nước nổi. Bông súng có độ dài 5-6 mét, được xem là món “mồi nhúng” hao cơm trong nhiều món lẩu như lẩu mắm, canh chua. Chỉ cần tước bỏ lớp vỏ ngoài, rửa sạch sau đó ngắt thành từng khúc nhỏ là có thể chế biến hay thưởng thức ngay món rau này.Sức hấp dẫn của bông súng nằm ở cái vị xốp giòn, thanh mát. Khi ăn sống, người ta sẽ dễ dàng cảm nhận sự tươi mới trong cổ họng, xen vào đó là chút ngọt, chút bùi hấp dẫn. Với các món lẩu, chỉ cần nhúng vào khi nước vừa sôi, bông súng sẽ mềm nhưng vẫn giữ được độ giòn dai, kèm theo mùi hương hấp dẫn khiến nồi lẩu trở thành một tổng thể hài hoà, vô cùng đẩy đưa vị giác.
QUYỀN TRÂN
0 Nhận xét