4 món đặc sản cá nổi tiếng ở Việt Nam

Hầu như bất cứ tỉnh thành nào của Việt Nam cũng có những đặc sản được chế biến từ cá. Mỗi loại cá sẽ tương ứng với những cách chế biến khác nhau để cho ra đời vô vàn những món ăn mang hương vị đặc trưng của văn hóa vùng miền và làm siêu lòng mọi thực khách.

Cá là nguyên liệu quen thuộc, có mặt ở khắp nơi, từ những bữa ăn giản dị của gia đình đến những nhà hàng sang trọng. Thịt cá đa phần có vị ngọt thanh, dịu nhẹ nên có thể phù hợp với mọi cách chế biến. Dù là chiên, nướng, xào hay nấu… phần thịt cá vẫn sẽ rất hòa quyện với cá gia vị và góp phần nâng cao chất lượng của món ăn. Bên cạnh đó, thịt cá còn chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết, giàu đạm và omega-3 rất tốt cho sức khỏe.

Những món cá sau đây tuy có phần giản dị, thân quen nhưng lại chứa đựng mọi tinh hoa của văn hóa ẩm thực vùng miền, cũng như chứa đựng niềm tự hào của người dân bản xứ.

Cá tai tượng chiên xù

Cá tai tượng chiên xù là món  ăn  nức  tiếng  ở  miền Tây, hấp dẫn nhiều du khách bởi sự bắt mắt, hoành tráng. Cá để chiên phải đủ to, thường cá được chọn phải nặng khoảng 1kg. Khác với kiểu chiên cá thông thường, cá tai tượng dù làm sạch vẫn phải để nguyên vảy. Sau khi ráo nước, cá được mang chiên trong một chiếc chảo thật to ngập dầu. Phần vảy cá khi chiên sẽ khiến con cá xù lên, giòn rụm, khiến món ăn trông vô cùng bắt mắt.

Cá khi chín được vớt ra để ráo dầu rồi xếp lên đĩa, xung quanh bày rau và ớt thái nhỏ, ngò xắt sợi, rắc thêm chút đậu phộng rang để  tăng  phần  hương  vị. Một số nơi còn bày cá lên  giá để  thêm phần đẹp mắt. Thực khách dùng bánh tráng cuốn cá chung với rau sống, bún tươi, chấm kèm với mắm me cay hoặc mắm chua ngọt ăn đều rất ngon.

Thịt cá tai tượng ngọt lịm, trắng phau, phía ngoài thì được chiên vàng  đượm,  giòn  khấu,  hòa  quyện  cùng vị chua ngọt của nước chấm tạo nên một trải nghiệm vô cùng thú vị.

Những khi có dịp về miền Tây, ghé đất cù lao, hòa mình vào thiên nhiên sông nước, tựa  mình  trên  chiếc võng đong đưa đón từng cơn gió  mát  và  nhâm  nhi món cá tai tượng chiên xù quả thật là một trải nghiệm tuyệt vời.

Chả cá Lã Vọng

Đến với Hà Nội mà không thưởng thức món chả cá Lã Vọng thì thật là một thiếu sót lớn. Chả cá chế biến rất công phu. Cụ thể, để làm chả cá, người ta phải kén cá lăng tươi, ngon nhất là cá lăng nuôi tự nhiên. Cá lăng sau khi lọc thịt sẽ được tẩm ướp với nhiều gia vị như nghệ, riềng, hạt tiêu, nước mắm cho ngấm rồi nướng sơ trên than hồng. Khi ăn, những miếng chả cá đã nướng sẽ được xào trên chảo với rất nhiều hành, thì là.

Để chả cá ngon, quá trình xào chả cá với rau sẽ diễn ra ngay trên bàn, khách có thể tự làm hoặc nhờ thực khách giúp đỡ. Chả cá Lã Vọng được ăn kèm với bún trắng, lạc rang, chấm cùng mắm tôm pha hoặc nước mắm ngon đều được.

Từng miếng chả cá thấm đẫm gia vị hòa quyện cùng mùi thơm của rau thì là tạo nên hương  vị  thật  khó quên. Gắp một miếng chả cá vàng ươm,  đậm  vị, thơm nức mũi đang tỏa khói ấm áp trong chảo nóng vào. Cuối cùng, gia giảm  thêm  một  chút  mắm  tôm nữa là tròn vị. Với một số người sành ăn, họ thường cho thêm một lát chanh thái mỏng nữa vào rồi mới thưởng thức. Đây là một trong những cách giúp bạn nuông chiều vị giác của mình.

Chả cá là một trong những món ăn mang tính biểu tượng của thủ đô Hà Nội, được nhiều trang ẩm thực hàng đầu thế giới đưa vào danh sách món ngon. Đến mức từng có một chương trình truyền hình ở Mỹ cho rằng: ‘’Nên thử một lần món ngon  này  trước  khi  rời khỏi thế giới’’.

Pa Pỉnh Tộp

Trong vô vàn món  ăn  trong  văn  hóa  ẩm  thực  của dân tộc Thái, phải kể đến món “Pa Pỉnh Tộp” (tức cá nướng gập nguyên con).  Với  cách  chế  biến,  gia  vị cầu kì hơn so với cá nướng  thông  thường,  “Pa  Pỉnh Tộp” sẽ đem lại một hương vị bùng nổ ngay từ lần đầu tiên thưởng thức.

Cá để làm Pa Pỉnh Tộp  phải  là  cá  suối  tươi,  bất  cứ loại cá nào, từ cá trắm, cá trôi, cá chép đều có thể làm được Pa Pỉnh Tộp. Người ta dùng dao sắc nhọn mổ từ sống lưng xuống, xẻ dọc phần trên thân cá từ đầu đến đuôi.

Sau khi sơ chế, cá sẽ được ướp với muối, tiêu, ớt, sả, gừng, rau thơm, mắc khén để ngấm rồi kẹp vào que tre, nướng trên than hồng. Pa Pỉnh Tộp phải nướng từ từ để cá chín mà không cháy. Pa Pỉnh Tộp khi chín thơm lừng, chắc, ngọt, đậm vị và rất lạ miệng. Người ta thường thưởng thức món này với xôi và đây được xem là bộ đôi sản vật của vùng Tây Bắc.

Đặc biệt, vào mỗi dịp tết đến xuân về, dù nhà giàu hay nhà nghèo, các gia đình người Thái cũng phải có món cá Pa Pỉnh Tộp để đặt lên bàn thờ tổ tiên.

Cá kho làng Vũ Đại

Nhắc đến cái  tên Vũ  Đại, chắc  hẳn đa phần  trong số chúng ta sẽ đây là một địa điểm hư cấu trong tác phẩm Chí Phèo. Nhưng trên thực tế, đây là một địa danh hoàn toàn có thật ở tỉnh Hà Nam và còn khá trứ danh với món cá kho làng Vũ Đại.

Cá kho dù là món ăn bình dân, phổ biến ở khắp nơi nhưng cá kho làng Vũ Đại có  cách  chế  biến  đặc  biệt hơn hẳn. Cá dùng để làm cá kho ở làng Vũ Đại phải là cá trắm đen với trọng lượng tối thiểu là 3kg.

Cá trắm đen có thớ thịt dày, chắc, làm sạch bằng vỏ chanh, sau đó pha chế cùng  các  nguyên  liệu  sạch như riềng, gừng, chanh, ớt, nước mắm, thịt ba chỉ và các gia vị khác, rồi xếp cá  vào  niêu  đất.  Dưới  đáy niêu rải một lớp  giềng  để  cá  thơm  và  không  cháy. Cá được kho kỳ công bằng củi nhãn, cháy lâu, than đượm.

Cá kho làng Vũ Đại kho tối thiểu khoảng 16 tiếng nên người chế biến phải luôn  túc  trực  để  thêm  nước  và gia vị đến khi cá chín nhừ. Món cá khi thành phẩm phải chắc thịt, thơm hương, đậm vị và để được lâu. Hiện tại, cá kho đã trở thành một đặc sản của làng Vũ Đại với nhiều cơ sở chế biến.

Vào dịp Tết, cá kho làng Vũ Đại còn là đặc sản được nhiều người săn đón để mang biếu dù giá mỗi niêu tối thiểu cũng gần cả triệu đồng.

THANH NGHĨA

Đăng nhận xét

0 Nhận xét